• CÔNG TÁC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG CÔNG TRÌNH ĐÊ ĐIỀU TRƯỚC LŨ NĂM 2024
  • 2024-03-04
  • Hiện trạng mặt đê tại vị trí K31, đê hữu sông Mã, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa.

     

         Để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão năm 2024; ngày 06/2/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 692/SNN&PTNT-TL gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trên địa bàn để xác định các trọng điểm xung yếu và xây dựng phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa bão năm 2024, cụ thể như sau:

              I. Đánh giá hiện trạng công trình trước lũ năm 2024

              1. Đánh giá cao trình chống lũ của đê: căn cứ vào mực nước thiết kế đê đã quy định cho từng tuyến đê so với cao trình đỉnh đê tại thời điểm kiểm tra, đồng thời so sánh với mực nước lũ cao nhất đã xảy ra để đối chiếu.

              2. Tổng hợp số liệu cụ thể về hiện trạng cao trình đê, mặt cắt ngang đê, cây chắn sóng, khu vực đê có mặt thoáng sông rộng nhưng chưa có tre chắn sóng, hiện trạng mặt đê, đường hành lang chân đê và đánh giá, thống kê số liệu chính xác theo chiều dài từng tuyến.

              3. Đánh giá những vấn đề còn tồn tại của thân đê và nền đê làm ảnh hưởng đến chất lượng chống lũ của đê như: mạch đùn, mạch sủi; thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt mái đê; nứt, lún sụt đê; tổ mối chưa được xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa triệt để; thống kê và nêu rõ đầm ao sát chân đê nhưng chưa được đắp lấp, khu vực đê sát sông cần đề phòng sạt lở, hiện trạng giếng giảm áp…

              4. Đánh giá hiện trạng kè, cống, điếm canh đê, cửa khẩu và thống kê, tổng hợp nêu rõ các cống mới hoàn thành và các cống còn đang thi công dở dang.

              5. Đánh giá hiện trạng đê bối.

         II. Đánh giá công tác hộ đê năm 2023 và công tác củng cố, nâng cấp đê

         1. Đánh giá kết quả củng cố nâng cấp đê điều theo các dự án, chương trình nâng cấp đê sông, đê biển.

         2. Tổng hợp, báo cáo các công trình đê điều đang thi công: cần cụ thể phạm vi, chiều dài, hạng mục đang thi công, tỷ lệ khối lượng đã thực hiện và dự kiến thời gian hoàn thành.

         3. Đánh giá việc triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, xử lý sự cố trước, trong và sau mùa lũ năm 2023; danh sách các trọng điểm đã được củng cố, nâng cấp năm 2023.

         4. Tổng hợp các sự cố đê điều đã xảy ra năm 2023 và đầu năm 2024, công tác chỉ đạo khắc phục, kết quả xử lý.

         III. Xác định trọng điểm xung yếu và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến, phương án ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế

         1. Xác định trọng điểm xung yếu: Việc xác định các trọng điểm xung yếu phải căn cứ vào kết quả đánh giá hiện trạng đê điều so với yêu cầu chống lũ và quá trình theo dõi, quản lý cũng như thực tế xử lý sự cố đê điều trong các mùa lũ trước, từ đó dự tính khả năng có thể xảy ra sự cố khi có lũ, bão và chỉ ra mức độ nguy hiểm về đê, kè, cống dưới đê.

         2. Xác định các tuyến, khu vực trọng điểm xung yếu: Căn cứ các vị trí trọng điểm xung yếu đã xác định, phân tích tổng hợp chọn ra các tuyến đê và khu vực trọng điểm xung yếu.

         3. Xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm:

         - Căn cứ hiện trạng công trình, dự kiến những tình huống bất lợi khi gặp lũ, bão (kể cả tình huống xấu nhất) và sự cố có thể xảy ra.

         - Đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố, đề ra các phương án kỹ thuật xử lý tương ứng, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho mùa lũ, bão năm 2024.

         - Từ phương án kỹ thuật đã được lựa chọn để xử lý các tình huống, cần xác định: khối lượng vật tư, phương tiện vận chuyển vật tư, thiết bị, nhân lực, đường vận chuyển, thời gian tập kết,... cụ thể, đảm bảo khả năng cung ứng kèm theo bản vẽ sơ bộ về giải pháp xử lý và ước tính khối lượng chi phí.

           - Phân công và quy định cụ thể người chịu trách nhiệm chính, các thành viên giúp việc; cụ thể về trách nhiệm và sự phối hợp giữa các đơn vị và cá nhân tham gia thực hiện phương án xử lý để không bị động khi có tình huống xấu xảy ra.

         4. Phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế: Dựa trên phân tích, đánh giá các tồn tại trên mỗi tuyến đê; trên cơ sở tổng hợp các phương án bảo vệ từng trọng điểm và tính đến những rủi ro, những tồn tại do chưa phát hiện hết trong khi kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, trên mỗi tuyến đê cần phải xây dựng phương án hộ đê, cứu hộ đê toàn tuyến và phương án ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế. 

         5. Vật tư dự trữ để hộ đê: Chi cục Thủy lợi (Hạt Quản lý đê điều) phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm kê vật tư dự trữ trên địa bàn để phục vụ công tác hộ đê trước lũ năm 2024.

              Báo cáo đánh giá hiện trạng công trình đê điều và phương án hộ đê là nội dung quan trọng cần được UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê quan tâm triển khai thực hiện và báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT theo đúng thời gian quy định để tổng hợp báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai trong việc chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác hộ đê, phòng chống lụt bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh./.

         Nguồn tin: Phòng Quản lý đê điều – Chi cục Thủy lợi.

Cổng thông tin điện tử tỉnh thanh hóa Thư điện tử Cổng thông tin điện tử chính phủ Tỉnh Ủy Thanh Hóa Văn bản pháp luật tỉnh thanh hóa Văn bản pháp luật tỉnh Thanh Hóa Phần mềm quản lý văn bản TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Khách online: 2
Lượt truy cập: 421010