• Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai
  • 2024-01-22
  •      Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Những năm gần đây, công tác quản lý bảo vệ công trình đê điều đã được các cấp chính quyền địa phương và các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai vẫn còn xảy ra, điển hình như: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều; lấn chiếm lòng sông, bãi sông; xe quá tải trọng cho phép đi trên đê gây hư hỏng mặt đê...

     

    Vi phạm xây dựng tường bao trong hành lang bảo vệ mái đê phía sông tại K13+120 đê hữu sông Lèn, xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc của hộ gia đình ông Lê Xuân Mạnh. Hiện nay vi phạm đã được xử lý dứt điểm.

     

        Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và các văn bản chỉ đạo khác của UBND tỉnh; ngày 19/01/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 361/SNN&PTNT-TL gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê tập trung chỉ đạo triển khai một số nội dung công việc như sau:

        1. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh theo quy định của pháp luật, không để kéo dài, tồn đọng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc để xảy ra vi phạm và gắn với việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

        2. Tiếp tục rà soát các vi phạm còn tồn đọng, chỉ đạo lập phương án xử lý nghiêm, dứt điểm đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

        3. Giao Công an huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm xe quá khổ, quá tải trọng cho phép đi trên các tuyến đê. Yêu cầu các chủ mỏ, bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi ký cam kết không bán, xúc cát cho các xe vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sửa chữa các hư hỏng của đê do quá trình vận chuyển cát, sỏi gây ra.

        4. Tổ chức phát quang mái đê, chân đê và thu dọn vật liệu, rác thải ra khỏi khu vực bảo bảo vệ đê ở tất cả các tuyến đê trên địa bàn địa phương; hướng dẫn việc tập kết rác thải đúng nơi quy định; nghiêm cấm việc việc tập kết vật liệu và đổ rác thải trên mặt, mái, chân đê và trong hành lang bảo vệ đê.

        5. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhà canh đê và khung khống chế tải trọng trên đê, đảm bảo đúng công năng, mục đích sử dụng của công trình; đầu tư các trang thiết bị cần thiết tại các điếm canh đê được quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phục vụ cho công tác tuần tra, canh gác đê trong mùa mưa, lũ năm 2024.

        6. Việc quản lý, sử dụng bãi sông phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 18904/UBND-NN ngày 30/11/2021.

        7. Thực hiện việc cấp phép xây dựng công trình, nhà ở khu vực ven đê, bãi sông theo đúng hướng dẫn của Sở Xây dựng tại Văn bản số 1158/SXD-HT ngày 05/3/2020.

        8. Chủ động phối hợp với các ngành: Công an, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan chỉ đạo kiểm tra, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, sạt lở bờ, bãi sông.

        9. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai đến cộng đồng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình ven đê, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn công trình đê điều.

        10. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ tiến độ thi công các công trình liên quan đến đê điều đang thi công dở dang trên địa bàn (các công trình do địa phương làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư hoặc nhận ủy thác thực hiện có các hạng mục công trình nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông; các công trình đã được UBND tỉnh cấp giấy phép cắt xẻ đê, cấp giấy phép thi công các hạng mục liên quan đến đê điều, ...), gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 20 hàng tháng và trước các đợt thiên tai khi có yêu cầu để làm cơ sở tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai theo quy định.

        Nguồn tin: Phòng Quản lý đê điều - Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa.

Cổng thông tin điện tử tỉnh thanh hóa Thư điện tử Cổng thông tin điện tử chính phủ Tỉnh Ủy Thanh Hóa Văn bản pháp luật tỉnh thanh hóa Văn bản pháp luật tỉnh Thanh Hóa Phần mềm quản lý văn bản TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Khách online: 2
Lượt truy cập: 420943