• Đảm bảo nguồn nước tưới, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho lúa vụ Thu Mùa năm 2024.
  • 2024-08-26
  •      Vụ Thu mùa năm 2024, các giống lúa Mùa sớm và chính vụ đang ở giai đoạn trổ - chín, lúa Mùa muộn ở giai đoạn làm đòng – trổ, nhu cầu sử dụng nước tưới cao. Hiện nay sâu bệnh đang phát triển trên lúa, chủ yếu là: Sâu non sâu cuốn lá nhỏ; Rầy nâu, rầy lưng trắng; Bệnh bạc lá, đốm sọc;… phân bố tại các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Nông Cống, TP Thanh Hóa, Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Ngọc Lặc, TP Sầm Sơn, Như Thanh, Như Xuân, Cẩm Thủy, Hậu Lộc, Thạch Thành,Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân,… Hiện tại, nguồn nước của 566/610 hồ chứa cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất. Có 347/610 hồ chứa đầy nước (do Công ty KTCTTL quản lý có 49/84 hồ chứa đầy nước, do các huyện quản lý có 298/526 hồ chứa đầy nước); còn lại 263/610 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường. Số hồ chưa đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới là 44 hồ, gồm: Hồ đang thi công (26 hồ) và hồ có mực nước dưới mực nước chết. Mực nước 03 hồ chứa nước lớn lúc 07h ngày 26/8/2024: Hồ chứa nước Cửa Đạt - huyện Thường Xuân: +91.04m (thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 18,96m, cao hơn so với MN cùng kỳ năm 2023 là 6,91m); hồ Sông Mực - huyện Như Thanh: +28.88m (thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 4,12m; thấp hơn so với MN cùng kỳ năm 2023 là 1,63m); hồ Yên Mỹ -huyện Nông Cống: +15.88m (thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 4,48m, cao hơn so với MN cùng kỳ năm 2023 là 0,65m).

     

    Hồ Khe Lùng (huyện Triệu Sơn) – do Công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý

         Để đảm bảo đủ nước cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa, chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại, ngày 21/8/2024 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 4576/SNN&PTNT-TL đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND các huyện), Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3 (gọi tắt là Ban 3) và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi (gọi tắt là các Công ty) triển khai, thực hiện một số nội dung như sau:

        1. Tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản: Kế hoạch số 202/KH- UBND ngày 11/8/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; số 48/KH- UBND ngày 21/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024, tỉnh Thanh Hóa; Công văn số 6185/UBND-NN ngày 06/5/2024 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

        2. Đối với UBND các huyện:

        - Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện khu vực xảy ra thiếu nước cục bộ để cấp nước tránh gây hạn giả tạo, kiểm tra phát hiện diện tích lúa bị sâu bệnh, chủ động phối hợp trong việc bơm, dẫn nước phục vụ công tác phòng, chống sâu bệnh gây hại trên lúa.

        - Phối hợp chặt chẽ với các Công ty thực hiện nghiêm túc phương án tưới, lịch tưới đã đề ra. Bố trí cán bộ, công nhân và lao động của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ thường trực tại các công trình để sẵn sàng chủ động cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất trước, trong và sau dịp nghỉ lễ 02/9.

        3. Đối với các Công ty:

        - Tập trung chỉ đạo cấp nước tưới phục vụ cho nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây lúa và cấp nước phục vụ công tác phòng chống sâu bệnh gây hại trên lúa; phối hợp với UBND các huyện, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức dùng nước tuyên truyền, công khai lịch tưới rộng rãi, phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành dẫn nước, điều phối nước tưới hợp lý, không để tình trạng thiếu nước cho công tác phòng chống sâu bệnh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ kỹ thuật phụ trách từng khu tưới.

        - Kiểm soát chặt chẽ độ mặn ở vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn trước khi lấy nước. Đóng, mở các cống hợp lý để giữ ngọt, ngăn mặn, hạn chế tối đa xâm nhập mặn.

        - Phân công trực tại các công trình đầu mối trong dịp nghỉ lễ 02/9 đảm bảo đủ số cán bộ công nhân viên tối thiểu thường trực tại các công trình.

        4. Đối với Ban 3:

        - Phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Xây dựng và Năng lượng VCP, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển điện Bắc Miền Trung căn cứ mực nước hồ hiện tại điều chỉnh lưu lượng vận hành xả nước hồ Cửa Đạt theo quy định tại Điều 11, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã ban hành kèm theo Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 13/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo phù hợp nhu cầu tưới thực tế, tiết kiệm; đảm bảo phục vụ sản xuất cũng như công tác cấp nước phòng, chống sâu bệnh hại lúa.

        - Phối hợp với Công ty TNHH MTV Sông Chu và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Sông Mã để có kế hoạch cấp nước tưới cho phù hợp với nhu cầu và lịch tưới thực tế.

        5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng và thường xuyên báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thủy lợi), địa chỉ email:qlct.cctl.thanhhoa@gmail.com./.

        Nguồn tin: Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa.

Cổng thông tin điện tử tỉnh thanh hóa Thư điện tử Cổng thông tin điện tử chính phủ Tỉnh Ủy Thanh Hóa Văn bản pháp luật tỉnh thanh hóa Văn bản pháp luật tỉnh Thanh Hóa Phần mềm quản lý văn bản TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Khách online: 14
Lượt truy cập: 1101408