• Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại huyện Thường Xuân
  • 2022-05-27
  • Ngày 25/5/2022, Đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh do ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT, TKCN&PTDS) làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, làm việc với UBND huyện Thường Xuân về việc triển khai công tác PCTT năm 2022 trên địa bàn huyện. Tham gia Đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn thuộc Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh.

  • Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía UBND huyện Thường Xuân có ông Nguyễn Ngọc Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện và đại diện lãnh đạo các phòng, ngành, đơn vị liên quan.

     

    Toàn cảnh buổi làm việc

     

    Theo báo cáo của UBND huyện Thường Xuân, trong năm 2021 trên địa bàn huyện đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 03 cơn bão, 05 đợt dông, lốc kèm theo sét làm 01 người chết (do sét đánh), 05 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập lụt cục bộ xảy ra trên địa bàn nhiều xã, thị trấn,… Từ đầu năm 2022, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, dị thường, điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống 0 độ C như tại thôn Vịn, xã Bát Mọt. Rét đậm, rét hại làm chết 200 con trâu, bò của 6 xã (Xuân Lộc, Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Vạn Xuân, Yên Nhân, Bát Mọt). Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 1,337 tỷ đồng.

    Đối với việc triển khai công tác PCTT năm 2022, UBND huyện Thường Xuân đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và các địa phương tổ chức kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy cấp huyện, cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; xây dựng và phê duyệt các phương án, kế hoạch về công tác PCTT; chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”; triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTT;…

    Ông Nguyễn Ngọc Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết, mặc dù các cấp chính quyền và nhân dân đã có nhiều cố gắng trong thực hiện công tác PCTT, nhưng do huyện Thường Xuân là địa bàn khó khăn, hiểm trở, nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ông lũ quét; lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN còn mỏng, làm việc kiêm nhiệm; phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn thiếu về số lượng và chủng loại, đặc biệt là phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông. Vì vậy, trong thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo để thực hiện tốt nhất công tác PCTT, đặc biệt là thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư.

    Đoàn Công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 2 xã Tân Thành và Ngọc Phụng của huyện Thường Xuân; theo đó, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 21 đến 24/5, dọc theo Đường tỉnh 519B xã Tân Thành đã có 8 hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở đất, vị trí đường tràn tại K32 có lúc ngập sâu đến 1,6 m gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Tại xã Ngọc Phụng, Đoàn công tác đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập tại hồ Xuân Thành (hồ được đánh giá mất an toàn năm 2022), hồ Hón Kín (hồ đang thi công) và hồ Sậy.

     

    Kiểm tra các hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở đất tại xã Tân Thành

    Đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT,   Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đi Kiểm tra tại tràn Km32, đường tỉnh 519B.

     

    Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT, TKCN&PTDS) ghi nhận những cố gắng của huyện Thường Xuân trong công tác PCTT, đề nghị UBND huyện tiếp thu các ý kiến của Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, các văn bản chỉ đạo trong công tác PCTT cũng như một số tồn tại, hạn chế tại hiện trường mà Đoàn công tác đã chỉ ra. Đồng chí đề nghị UBND huyện Thường Xuân trong thời gian tới cần triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

    1. Hoàn thiện thể chế, các văn bản pháp lý; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTT, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 09/7/2021 triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 07/3/2022 triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh;…

     2. Chủ động xây dựng, rà soát, cập nhật Kế hoạch, các phương án, kịch bản ứng phó với thiên tai sát thực tế, đặc biệt là các tình huống ứng phó với siêu bão, mưa, lũ lớn vượt tần suất thiết kế, cụ thể: Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025; Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão;... Đặc biệt, huyện Thường Xuân là địa phương có số lượng dân cư sinh sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cần phải sơ tán rất lớn, đề nghị huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và đơn vị liên quan xây dựng chi tiết, cụ thể phương án sơ tán dân để triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra.

    3. Tổ chức triển khai thực hiện mọi công việc cần thiết phục vụ công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó tập trung về bộ máy chỉ huy, nhân lực, chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm.

    4. Đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình PCTT; thường xuyên kiểm tra các công trình để kịp thời phát hiện các sự cố, đặc biệt là trong mùa mưa lũ; tổ chức khơi thông dòng chảy, phá bỏ ách tắc trên các hệ thống kênh tiêu.

    5. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Pháp luật về PCTT, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư để chủ động phòng tránh. Đặc biệt đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo…

    6. Nâng cao năng lực của Văn phòng thường trực cấp huyện và bộ phận thường trực cấp xã. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thực hiện tốt chế độ báo cáo về Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh./.

    Nguồn tin: Văn phòng Thường trực phòng chống thiên tai tỉnh

Cổng thông tin điện tử tỉnh thanh hóa Cổng Dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa Công khai tiến độ giải quyết thủ tục hành chính sử dụng văn bản điện tử Thư điện tử Cổng thông tin điện tử chính phủ Tỉnh Ủy Thanh Hóa Văn bản pháp luật tỉnh thanh hóa Văn bản pháp luật tỉnh Thanh Hóa Phần mềm quản lý văn bản TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Khách online: 58
Lượt truy cập: 1231073