• Thực hiện công tác đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều trong mùa mưa lũ; phát quang mái đê, chân đê năm 2024
  • 2024-04-15
  •       Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Những năm gần đây, công tác quản lý bảo vệ công trình đê điều đã được các cấp chính quyền địa phương và các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai vẫn còn xảy ra; bên cạnh đó tình trạng cây cối, bụi rậm phát triển mạnh trên mái đê, chân đê tại các tuyến đê cũng gây khó khăn cho công tác tuần tra, canh gác đê và phát hiện và xử lý giờ đầu các sự cố đê điều

     

     

    Cây cỏ dại phát triển trên mái đê tuyến đê hữu sông Mã

     

    Cây cỏ dại phát triển trên mái đê tuyến đê tả sông Lèn

     

         Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão năm 2024, đề phòng những sự cố bất trắc có thể xảy ra và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với những vùng được đê bảo vệ; thực hiện nội dung Công văn số 103/ĐĐ-QLĐĐ ngày 02/02/2024 của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai về việc tổ chức đánh giá hiện trạng công trình đê điều, xác định trọng điểm đê điều xung yếu và xây dựng phương án hộ đê năm 2024; Công văn số 361/SNN&PTNT-TL ngày 19/01/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai; ngày 01/04/2024 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã ban hành Công văn số 31/PCTT,TKCN&PTDS gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung công việc như sau:

         1. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê:

         - Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo nhà thầu thi công các công trình liên quan đến đê điều tập trung nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các hạng mục yêu cầu chống lũ, đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để kịp thời đưa vào phục vụ công tác phòng chống lụt bão năm 2024.

         - Xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công dở dang trong mùa mưa lũ; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

         - Phối hợp với các Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi và Hạt Quản lý đê đóng trên địa bàn thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê để phát hiện các cống yếu, các cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt cống tạm thời hoặc hoành triệt vĩnh viễn đối với các cống không đảm bảo an toàn; riêng đối với cống xung yếu phải xây dựng phương án bảo vệ và giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ chức, cá nhân để chủ động chuẩn bị, tổ chức thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, có giải pháp cấp nước (hoặc tiêu) hỗ trợ để giảm bớt mức độ ảnh hưởng do việc hoành triệt cống. Việc vận hành cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm ngặt quy trình đóng, mở cống; hệ thống đóng mở phải được kiểm tra, tra dầu mỡ và vận hành thử trước mùa mưa lũ để phát hiện hư hỏng, sửa chữa kịp thời bảo đảm an toàn.

         - Căn cứ hiện trạng công trình đê điều trước lũ, phương án hộ đê năm 2024, UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê kiểm tra, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm; đồng thời chỉ đạo UBND các xã và đơn vị liên quan chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến, từng phương án trọng điểm và có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân trong trường hợp có sự cố xảy ra (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn).

         - Xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy để bổ khuyết kịp thờỉ những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng canh đê, xung kích hộ đê.

         - Phối hợp với Hạt Quản lý đê, tổ chức kiểm tra, rà soát các vụ vi phạm tồn đọng để xử lý dứt điểm, triệt để; quản lý chặt chẽ không để tái vi phạm và vi phạm mới phát sinh, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngăn chặn có hiệu quả và xử phạt nghiêm đối với xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê gây hư hỏng mặt đê.

         - Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và Công văn số 893/UBND-NN ngày 21/01/2020 của UBND tỉnh; nhất là ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm các vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, đắp bờ bao, đổ phế thải lấn chiếm trên bãi sông, lòng sông,…; yêu cầu các chủ bãi tập kết vật liệu xây dựng trên bãi sông không tập kết vật liệu trong mùa mưa lũ, đảm bảo tiêu thoát lũ lòng sông, tuân thủ theo đúng quyết định cấp phép của UBND tỉnh.

         - Tổ chức ra quân phát quang dọn dẹp mái đê, chân đê và trong hành lang bảo vệ đê để phục vụ công tác tuần tra canh gác đê, xử lý sự cố trong mùa mưa lũ và đảm bảo an toàn công trình đê điều.

         Thời gian thống nhất đồng loạt ra quân phát quang mái đê trên trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 15/4-30/6/2024 và báo cáo tiến độ thực hiện lần 1 vào ngày 15/5/2024; báo cáo kết quả hoàn thành trước ngày 05/7/2024 bằng văn bản về Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh (qua Chi cục Thủy lợi) để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy tỉnh.

         2. Sở Giao thông vận tải:

         Đối với các tuyến đê được kết hợp đường tỉnh lộ, đề nghị Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Quý Sở quản lý và các đơn vị có liên quan phối hợp với Chi cục Thủy lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố ngăn chặn xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê/đường đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành.

         3. Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hoá và Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thống Thanh Hóa:

         Đối với những công trình liên quan đến đê điều đang thi công dở dang, đặc biệt là các cống qua đê do Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá làm chủ đầu tư, chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các hạng mục yêu cầu chống lũ, đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để kịp thời đưa vào phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Đồng thời xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra

              Nguồn tin: Phòng Quản lý đê điều - Chi cục Thủy lợi

Cổng thông tin điện tử tỉnh thanh hóa Cổng Dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa Công khai tiến độ giải quyết thủ tục hành chính sử dụng văn bản điện tử Thư điện tử Cổng thông tin điện tử chính phủ Tỉnh Ủy Thanh Hóa Văn bản pháp luật tỉnh thanh hóa Văn bản pháp luật tỉnh Thanh Hóa Phần mềm quản lý văn bản TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Khách online: 9
Lượt truy cập: 1258592