• Tình hình mưa, lũ, sạt lở cực đoan tại các tỉnh phía Bắc trong thời gian qua và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thanh Hóa
  • 2024-08-12
  •      Theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo. Sau các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài vào đầu năm, thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi, nhất là tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây nguyên. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai làm 104 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

         Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong thời gian gần đây liên tục xảy ra mưa lớn cực đoan gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng như: Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng cho Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng,….; sạt lở đất tại Homestay Tà Xùa, Sơn La làm 1 người chết, 2 người bị thương; sạt lở đất tại Km10+900, Quốc lộ 34, tỉnh Hà Giang làm 12 người chết, 4 người bị thương và nhiều vụ sạt lở khác làm chết và bị thương nhiều người. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở do rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do mưa lớn cực đoan xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày, làm cho đất đá (đặc biệt là các loại đất đá bị phong hóa mạnh có thành phần vật liệu hỗn độn giàu sét, sạn, tính chất cơ lý bở rời gắn kết yếu) cơ lý yếu bị ngậm nước quá nhiều dẫn đến trương nở bão hòa nước làm tăng thể tích và trọng lượng, đồng thời giảm lực ma sát gây trượt lở mạnh.

     

    Hiện trường vụ sạt lở tại đất tại Km11 Quốc lộ 34, tỉnh Hà Giang

     

         Đối với tỉnh ta, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 22 trận thiên tai (bao gồm: 01 cơn bão; 01 đợt rét hại; 05 trận lốc, sét; 06 đợt mưa lớn; 01 trận lũ quét; 01 trận động đất và 7 đợt nắng nóng diện rộng); thiên tai đã làm 2 người chết, 1 người bị thương, 1.707 ha lúa bị thiệt hại, 518 nhà bị hư hỏng,… Ước giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 70 tỷ đồng. Tuy trong thời gian vừa quan, tỉnh ta không bị ảnh hưởng lớn của mưa, lũ, sạt lở; tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh trọng điểm về thiên tai, thường xuyên xảy ra và chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, điều kiện địa lý, địa hình, địa chất,… có nhiều yếu tố bất lợi, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, nhìn vào thực tế tình hình mưa, lũ, sạt lở vừa xảy ra tại các tỉnh phía Bắc, các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan trong tỉnh cần khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau để phòng, chống, ứng phó kịp thời với mưa, lũ, sạt lở nói riêng và các loại hình thiên tai khác nói chung, cụ thể như sau:

         1. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Khắc phục ngay tâm lý chủ quan, lơ là, tập trung hoàn thành ngay các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể tại các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.

         2. Chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các nguyên nhân, diễn biến của các vụ sạt lở xảy ra thời gian gần đây đã được các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi để rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm phục vụ tốt cho công tác phòng, chống sạt lở tại địa phương, đơn vị mình.

         3. Tiếp tục kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các phương án ứng phó thiên tai đảm bảo theo quy định, làm cơ sở để tính toán các tình huống có thể xảy ra tương ứng với các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường gặp để chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phương tiện, trang thiết bị tương ứng đảm bảo số lượng, chất lượng.

         4. Tập trung rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ven sông, suối để điều chỉnh, cập nhật các phương án ứng phó thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán, di dời dân phù hợp; đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Các địa phương được giao thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo đưa người dân đến nơi ở an toàn sớm nhất có thể.

         5. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, nhất là khu dân cư, công trình giao thông, khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở, công trình tại khu vực có nguy cơ sạt lở, lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc để xây dựng công trình, nhà ở và khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai; thanh thải vật cản dòng chảy trên sông, suối, hệ thống giao thông để phòng ngừa nguy cơ xảy ra lũ quét.

         6. Khi thực hiện các quy hoạch xây dựng cần chú trọng đến việc phân vùng tiêu, dành không gian cho thoát lũ, thoát nước, bố trí các hồ điều hòa để trữ nước tạm thời chống ngập úng khi mưa lớn và nâng cao năng lực hệ thống tiêu thoát nước. Ngăn chặn và xử lý công trình, nhà ở, đổ chất thải lấn chiếm không gian thoát nước, chứa nước; đồng thời tăng cường nạo vét hệ thống tiêu, thoát nước. Kiểm tra, kiểm soát các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai đối với cơ sở hạ tầng; hướng dẫn, kiểm soát đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các khu du lịch khi có thiên tai xảy ra.

         Nguồn tin: Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa.

     

Cổng thông tin điện tử tỉnh thanh hóa Cổng Dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa Công khai tiến độ giải quyết thủ tục hành chính sử dụng văn bản điện tử Thư điện tử Cổng thông tin điện tử chính phủ Tỉnh Ủy Thanh Hóa Văn bản pháp luật tỉnh thanh hóa Văn bản pháp luật tỉnh Thanh Hóa Phần mềm quản lý văn bản TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Khách online: 55
Lượt truy cập: 1231053