• Chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão năm 2023
  • 2023-06-26
  •     Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, chịu ảnh hưởng của hai hình thế thời tiết Bắc Bộ và Trung Bộ nên thường xuyên chịu tác động của hầu hết các loại hình thiên tai hiện nay (trừ sóng thần); với diện tích tự nhiên 11.120 km2, dân số trên 3,7 triệu người, trong đó hiện còn 97.080 hộ/385.067 nhân khẩu đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, cần phải sơ tán khi có thiên tai xảy ra. Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Thanh Hóa là hết sức nặng nề, không những gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường sinh thái mà còn tác động sâu sắc tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm vừa qua, dưới tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, khó lường và không tuân theo quy luật (điển hình là đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt lớn năm 2018, 2019 xảy ra trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa). Theo thống kê trong giai đoạn 2016 - 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 135 trận thiên tai làm 83 người chết, 22 người mất tích, 23 người bị thương, gây thiệt hại kinh tế cho tỉnh khoảng 10.779 tỷ đồng.

        Công tác phòng, chống thiên tai luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm; đã quán triệt sâu rộng đến toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đồng thời từng bước xây dựng xã hội, cộng đồng an toàn trước thiên tai. Vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Các cấp, các ngành trong tỉnh ngày càng chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai nhằm ứng phó hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, cụ thể như sau:

       1.Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả các các văn bản chỉ đạo của Trung ương đối với công tác phòng, chống thiên tai và ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý và các văn bản chỉ đạo của tỉnh để các cấp, các ngành triển khai thực hiện; trong đó nổi bật là việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai của tỉnh,… Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

       2.Ngay từ đầu năm 2023, các cấp đã tổ chức kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự từ cấp tỉnh đến cơ sở, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ngoài ra, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy, tổ chức hoạt động của Văn phòng thường trực các cấp được quy định cụ thể, giúp cho công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai được nâng lên rõ rệt.

       3.Các cấp, các ngành đã chủ động kiểm tra, rà soát, bổ sung hoàn tất mọi công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, từ xây dựng, rà soát, cập nhật Kế hoạch, các phương án, kịch bản ứng phó sát thực tế cho đến tổ chức bộ máy chỉ huy, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần,... để sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống xảy ra. Trong đó, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập, hàng năm đều kiện toàn, nâng cao năng lực cho 559 đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã (tương ứng với 559 xã, phường, thị trấn) với 50.589 người tham gia, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; đây là lực lượng tại chỗ và giữ vai trò rất quan trọng, là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận.

    Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh đã thành lập các Đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ huy tỉnh làm Trưởng đoàn để kiểm tra toàn diện về công tác chuẩn bị PCTT năm 2023 tại 27 huyện, thị xã, thành phố; qua đó, các Đoàn công tác đã nắm bắt đầy đủ tình hình triển khai, chuẩn bị và chỉ đạo khắc phục kịp thời những thiếu sót, tồn tại, hạn chế của địa phương.

     

    Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh kiểm tra công tác triển khai PCTT năm 2023 tại huyện Đông Sơn (Ảnh: Đài PT và TH Thanh Hóa)

     

        4.Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Kế hoạch, Đề án mang tính đột phá, bền vững trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cụ thể:

       (1) Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025: Đã xây dựng hoàn thành 4 khu Tái định cư (bản Tang, xã Trung Thành và bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa; khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn; bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát) để sắp xếp ổn định cuộc sống cho 151 hộ/750 nhân khẩu. HĐND, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 17 dự án để sắp xếp ổn định cho 556 hộ/2.739 nhân khẩu. Hiện nay đang khẩn trương trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 05 dự án sắp xếp, ổn định cho 198 hộ/749 nhân khẩu.

       (2) Đề án nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 và Đề án nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên khu vực biên giới, vùng biển tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030: Đã thành lập, đào tạo, tập huấn cho các tổ, đội xung kích, các lực lượng theo kế hoạch; đang chuẩn bị tổ chức diễn tập thực binh PCTT và TKCN cấp quân khu năm 2023 tại huyện huyện Hậu Lộc; tổ chức mua sắm các vật tư, trang thiết bị, hỗ trợ công tác PCTT và TKCN.

       (3) Kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Thanh Hóa: từ năm 2020 đến nay đã tổ chức được 68 lớp tập huấn với 2.710 người tham gia.

        5.Các hoạt động thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực cộng đồng được tổ chức thường xuyên, liên tục và thông qua nhiều hình thức: qua Cổng thông tin điện tử về công tác PCTT và TKCN của tỉnh (tại địa chỉ pctt.thanhhoa.gov.vn); qua các lớp tập huấn trực tiếp; qua chuyên mục “chủ động phòng, chống thiên tai” của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; qua hệ thống thông tin cơ sở và các mạng xã hội như Facebook, Zalo;... Qua đó, năng lực phòng ngừa, ứng phó; nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác phòng, chống thiên tai được nâng lên rõ rệt.

     

    Các thông tin về PCTT và TKCN được đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng Thông tin điện tử về PCTT và TKCN của tỉnh (địa chỉ: pctt.thanhhoa.gov.vn)

     

        6.Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các hệ thống tự động, cảnh báo sớm. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 08 trạm đo khí tượng; 18 trạm thuỷ văn; 193 trạm đo mưa tự động; 15 trạm đo độ mặn; 01 trạm cảnh báo giông, sét; 24 hệ thống cảnh báo hạ du hồ chứa. Trong thời gian tới tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin, theo dõi, giám sát thiên tai.

     

    Thiết bị đo mưa tự động tại Cửa Đạt, Thường Xuân

     

          Mặc dù nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp và đạt được những kết quả đáng kể, nhưng do còn hạn chế về nguồn lực nên công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc: (1) Hệ thống hạ tầng công trình phòng, chống thiên tai tương đối lớn với 1.008 km đê (đứng đầu cả nước), 610 hồ chứa (đứng thứ 2 sau tỉnh Nghệ An), trong đó nhiều trọng điểm xung yếu, mất an toàn chưa được đầu tư tu bổ, nâng cấp (năm 2023 đã xác định được 35 trọng điểm xung yếu về đê điều; 100 hồ chứa mất an toàn); (2) phần lớn dân cư sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai chưa được di dời đến nơi an toàn; (3) vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế; (4) lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai thiếu cả về số lượng và chất lượng, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có chuyên trách, còn lúng túng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ;…

        Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: (1) Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách của tỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; (2) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; (3) Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; (4) Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; (5) Phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai./.

        Nguồn tin: Phòng Phòng, chống thiên tai – Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa.

     

Cổng thông tin điện tử tỉnh thanh hóa Cổng Dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa Công khai tiến độ giải quyết thủ tục hành chính sử dụng văn bản điện tử Thư điện tử Cổng thông tin điện tử chính phủ Tỉnh Ủy Thanh Hóa Văn bản pháp luật tỉnh thanh hóa Văn bản pháp luật tỉnh Thanh Hóa Phần mềm quản lý văn bản TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Khách online: 50
Lượt truy cập: 1231140