• HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN HỘ ĐÊ TOÀN TUYẾN VÀ PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ VỚI LŨ LỚN VƯỢT TẦN SUẤT THIẾT KẾ
  • 2024-08-20
  •      A. Sự cần thiết

         Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tại Công văn số 103/ĐĐ-QLĐĐ ngày 02/02/2024 về việc tổ chức đánh giá hiện trạng công trình đê điều, xác định trọng điểm đê điều xung yếu và xây dựng phương án hộ đê năm 2024. Chi cục Thuỷ lợi đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê xây dựng Phương án hộ đê toàn tuyến và Phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế (sau đây viết tắt là Phương án); tuy nhiên nội dung Phương án hộ đê toàn tuyến và Phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế do 17 huyện, thị xã, thành phố có đê đã phê duyệt và trên cơ sở tình hình thực tế,… đã có những khó khăn, bất cập, cụ thể như sau:

        - Chưa xác định đầy đủ hiện trạng từng tuyến đê, như: cao trình và mặt cắt đê, các trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí xung yếu cần quan tâm theo dõi, điều kiện dân sinh, kinh tế, hạ tầng phòng chống thiên tai,…

         - Chưa huy động các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội đóng trên địa bàn tham gia để xây dựng Phương án cho phù hợp dẫn đến tính khả thi chưa cao, chưa đảm bảo đủ điều kiện để triển khai trong thực tế.

         - Công tác chuẩn bị vật tư phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương còn mang tính chất hình thức, chưa đảm bảo về mặt số lượng và chất lượng như: đất, cát, đá hộc, tre cây, rơm rạ, bó rồng… chỉ thực hiện tốt từ 1 đến 2 nội dung.

         - Hầu hết các kho vật tư được kết hợp sử dụng với nhiều mục đích và đặt cách xa tuyến đê. Trong khi đó phương tiện phục vụ công tác PCTT chưa được ký hợp đồng nguyên tắc với chủ phương tiện dẫn đến không có ràng buộc trách nhiệm khi cần huy động và bị động khi có tình huống xấu xảy ra.

         - Một số địa phương xây dựng bản đồ tác chiến còn sơ sài, chưa thể hiện rõ hướng di chuyển, vị trí kho bãi vật tư, cự ly vận chuyển, nhân lực, vật lực, chưa đưa ra các tình huống di chuyển khác nhau,… dẫn đến tình trạng lúng túng trong công tác triển khai khi có sự cố xảy ra.

         - Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa sâu sát đến công tác PCTT, xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là.

         => Để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho tuyến đê và chủ động ứng phó với lũ vượt tần suất thiết kế trong mùa mưa bão, đồng thời, cũng là bước chuẩn bị quan trọng làm tiền đề cho việc Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai dự kiến sẽ tổ chức bảo vệ Phương án hộ đê toàn tuyến và phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế trước mùa mưa lũ năm 2025. Tổ Đảng Phòng Quản lý đê điều xây dựng trình tự, nội dung xây dựng Phương án hộ đê toàn tuyến và phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế, như sau:   

     

    Hình ảnh sinh hoạt chuyên đề mở rộng quý III tại Hội trường Chi cục Thuỷ lợi

         B. Trình tự xây dựng Phương án

         1. Thực hiện điều tra, thống kê cơ sở hạ tầng, phương tiện và xác định các tuyến đê cần xây dựng phương án

         - Điều tra, thống kê các tuyến đường phục vụ vận chuyển vật tư, phương tiện và sơ tán dân;

         - Điều tra, thống kê số lượng nhà dân sống ven đê có nhà 02 tầng trở lên kiên cố; trụ sở các cơ quan, đơn vị phục vụ sơ tán dân (phụ thuộc vào chiều cao đê, dự kiến mực nước lũ, chiều cao, số tầng nhà đảm bảo an toàn);

         - Xác định các tuyến đê xung yếu, xây dựng Phương án hộ đê toàn tuyến và Phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế;

         - Thống kê phương tiện phục vụ các Phương án (xe ô tô tải, ô tô chở người, công nông, máy xúc, máy ủi, thuyền bè, máy phát điện, đèn pin, đèn tích điện,...) và phải có văn bản hợp đồng nguyên tắc (như 01 dự lệnh) với từng chủ phương tiện (ghi rõ địa chỉ thường trú tại địa phương, số điện thoại liên hệ,... và chụp ảnh phương tiện).

         2. Lập danh sách lực lượng tham gia ứng cứu hộ đê, lực lượng tuần tra canh gác đê, lực lượng giúp nhân dân sơ tán thường trú tại địa phương, còn đủ sức khoẻ, lưu ý phải có xác nhận bằng văn bản của chính quyền địa phương, đồng thời niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, Nhà văn hoá thôn, điếm canh đê,... thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết. Thực hiện việc ký hiệp đồng trong công tác PCTT-TKCN với lực lượng quân đội, công an đóng trên địa bàn.

         3. Thống kê đầy đủ danh sách vật tư dự trữ theo yêu. Đối với đất dự trữ nếu xây dựng Phương án lấy tại núi (mỏ) phải được sơ hoạ cụ thể, kèm theo biên bản làm việc xác định vị trí lấy đất, diện tích, chiều sâu khai thác, trữ lượng giữa chủ hộ được giao quyền sử dụng đất (nếu có) với chính quyền địa phương. Trường hợp sử dụng vật tư dự trữ trong dân (tre, luồng, bao tải, bạt,...) cần nêu rõ số lượng, tên chủ hộ, địa chỉ, số điện thoại,...

        4. Bản đồ chỉ đạo, điều hành cho từng tuyến đê được xây dựng trong Phương án (bản đồ tác chiến) thể hiện rõ vị trí tập kết vật tư, kho bãi vật tư, đường vận chuyển, cự ly vận chuyển, nhân lực, vật lực, Ban Chỉ huy, vị trí lán trại,... Lưu ý, lập nhiều tình huống di chuyển khác nhau và thể hiện rõ các phương tiện được phép đi trên đê để chủ động khi có sự cố xảy ra.

         5. Tình huống sơ tán dân (nếu có) thống kê được tổng số hộ, số khẩu sơ tán, vị trí chuyển dân sơ tán,...; có sơ hoạ hướng di chuyển khi sơ tán, khoảng cách đến nơi sơ tán...; thống kê đối tượng dễ bị tổn thương cần hỗ trợ; công tác chuẩn bị hỗ trợ về hậu cần, nước uống, thuốc, vật tư y tế, chăm sóc y tế, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự,... tại nơi sơ tán.

         6. Phương án hộ đê toàn tuyến và Phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế phải có quyết định phê duyệt, phân giao nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở để tổ chức thực hiện.

         C. Nội dung Phương án

          Phần I. Mục đích, yêu cầu xây dựng Phương án

              1. Mục đích xây dựng Phương án

         - Làm cơ sở để chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực theo phương châm 04 tại chỗ; phương án huy động, hỗ trợ của UBND tỉnh, Trung ương,…

         - Phương án được xây dựng là cơ sở để tổ chức diễn tập nhằm bổ sung, hoàn thiện phương án đảm bảo đủ điều kiện để sẵn sàng triển khai trong thực tế.

         - Chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống cụ thể có khả năng xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều, cơ sở hạ tầng và tính mạng của người dân,…

          - Giúp cho Trưởng ban Chỉ huy chỉ đạo thực hiện đảm bảo khoa học, đúng quy trình và đảm bảo an ninh trật tự.

         - Tuyên truyền, phổ biến cho người dân và các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn chủ động thực hiện khi có tình huống xấu xảy ra, nâng cao ý thức về PCTT, bảo vệ đê điều,…

            2. Yêu cầu xây dựng Phương án

          - Xác định các trọng điểm đê điều xung yếu, các sự cố thường xảy ra đối với tuyến đê, các tuyến đê có cao trình đỉnh đê < MNTK + 0,5m,… cần xây dựng Phương án hộ đê toàn tuyến và phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế.

          - Điều tra thực tế các tuyến đường chính được sử dụng để vận chuyển vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão hoặc khi sơ tán dân; trụ sở các cơ quan tổ chức phục vụ cho việc sơ tán dân; các hộ dân phải sơ tán tập trung, sơ tán tại chỗ; đối tượng dễ bị tổn thương cần hỗ trợ (người già, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ mang thai,…)

         - Dự kiến được các tình huống xảy ra, phạm vi, quy mô,… để tính toán, xác định nhu cầu về phương tiện, vật tư, nhân lực theo phương châm 04 tại chỗ từ đó xác định khả năng chuẩn bị của địa phương và phương án huy động từ UBND tỉnh, Trung ương.

          - Tổ chức bộ máy chỉ huy, phân giao nhiệm vụ, công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị trên địa bàn, chủ động ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

          Phần II. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng

         1. Đặc điểm tự nhiên, dân sinh, kinh tế, xã hội

         a) Về điều kiện tự nhiên (vị trí địa lý, địa hình, đặc điểm khí hậu)

         b) Về dân sinh, kinh tế, xã hội

         2. Về hiện trạng cơ sở hạ tầng

         a) Hệ thống công trình đê điều

         b) Hệ thống công trình thủy lợi tưới, tiêu

        - Số lượng các công trình tưới, tiêu trên địa bàn huyện.

        - Số lượng các cống tiêu qua đê (hoặc tưới tiêu kết hợp) và các trạm bơm tiêu (hoặc tưới tiêu kết hợp) trên địa bàn huyện.

        c) Hiện trạng giao thông

        Yêu cầu phải xác định được các tuyến đường chính được sử dụng để vận chuyển vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão hoặc khi sơ tán dân.

        d) Hiện trạng các công trình hạ tầng kiên cố

        Yêu cầu phải điều tra, thống kê số lượng nhà nhân sống ven đê có nhà 02 tầng trở liên kiên cố; trụ sở của các cơ quan, đơn vị đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc sơ tán dân.

         đ) Hiện trạng mạng lưới điện

         e) Hạ tầng cấp nước

         g) Hạ tầng cảnh báo thiên tai

        Phần III. Phương án hộ đê toàn tuyến và phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế

       Trên cơ sở đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2024 và các trọng điểm đê điều xung yếu đã xác định, thực hiện thống kê hiện trạng từng tuyến đê có: Cao trình đỉnh đê < cao trình đỉnh đê thiết kế; Cao trình đỉnh đê < (MNTK + 0,5m); đoạn đê bị thẩm lậu, rò rỉ; đoạn đê có nguy cơ bị nứt, sạt trượt; các cống bị hư hỏng, ngắn và khuyết tật cần quan tâm trong mùa mưa bão,…

        I. Phương án hộ đê toàn tuyến

        1. Giả định tình huống: Xuất hiện đồng thời nhiều sự cố trên toàn tuyến đê trên địa bàn (Lũ lớn chưa vượt tần suất thiết kế).

        2. Xác định những sự cố xảy ra và mức độ sự cố (ở các trọng điểm xung yếu đã xác định).

        3. Giải pháp xử lý.

        4. Nhu cầu vật tư, phương tiện, nhân lực, chỉ huy.

        5. Phương án chỉ huy, điều phối.

        6. Khả năng chỉ huy tại chỗ và đề nghị UBND tỉnh, Trung ương hỗ trợ.

        II. Phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế

        1. Giả định tình huống: Xuất hiện lũ lớn vượt tần suất thiết kế và dự báo sẽ vượt MNTK đến 0,5m.

        2. Xác định tình huống xảy ra

        a) Lũ vượt cao trình đỉnh đê tại các đoạn đê thấp hơn (MNTK + 0,5m).

        b) Xuất hiện đồng thời nhiều sự cố trên toàn tuyến đê trên địa bàn (ở các trọng điểm xung yếu đã xác định và vị trí mới).

        3. Giải pháp xử lý

        - Chống tràn với phương án mực nước vượt MNTK đến 0,5m.

        - Xử lý các sự cố xảy ra.

        4. Nhu cầu vật tư, phương tiện, nhân lực, chỉ huy

        - Xử lý chống tràn.

        - Xử lý các sự cố tại các trọng điểm đê điều xung yếu khác.

        5. Phương án chỉ huy, điều phối

        6. Khả năng chỉ huy tại chỗ và đề nghị UBND tỉnh, Trung ương hỗ trợ

        Phần IV. Tổ chức thực hiện

        Sau khi Phương án được phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập Ban CH Phương án, trong đó:

        - Phân giao nhiệm vụ cụ thể và quy định trách nhiệm của Trưởng ban, các thành viên Ban CH.

        - Phân giao cụ thể công tác chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực theo phương châm 04 tại chỗ theo Phương án được phê duyệt.

        - Tuyên truyền, phổ biến cho người dân và các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn chủ động thực hiện khi có tình huống xảy ra, nâng cao ý thức về PCTT, bảo vệ đê điều,… tránh tư tưởng chủ quan trước tình hình biến đổi khí hậu và diễn biến thiên tai phức tạp như hiện nay.

            Nguồn tin: Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa.

Cổng thông tin điện tử tỉnh thanh hóa Cổng Dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa Công khai tiến độ giải quyết thủ tục hành chính sử dụng văn bản điện tử Thư điện tử Cổng thông tin điện tử chính phủ Tỉnh Ủy Thanh Hóa Văn bản pháp luật tỉnh thanh hóa Văn bản pháp luật tỉnh Thanh Hóa Phần mềm quản lý văn bản TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Khách online: 54
Lượt truy cập: 1230994